VnReview: Chỉ số công lý là gì?

Sáng hôm qua, ngày 3/10/2013, tại Việt Nam lần đầu tiên Chỉ số Công lý 2012 được thực hiện và công bố. Vậy chỉ số công lý là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào?

Theo thông cáo báo chí phát đi từ UNDP Việt Nam, chỉ số công lý 2012 được Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cùng xây dựng, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Chỉ số này dựa trên kinh nghiệm thực tế của hơn 5.000 người dân thuộc nhiều tầng lớp xã hội đang sinh sống ở 21 tỉnh, thành trên khắp đất nước Việt Nam.

Chỉ số công lý phản ánh ý kiến và nhận xét của người dân về hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm công lý và các quyền cơ bản của người dân.

Chỉ số công lý phản ánh năm khía cạnh của quản trị công lý và chế độ pháp quyền theo ý kiến và sự trải nghiệm của người dân, cụ thể là khả năng tiếp cận, sự bình đẳng, tính liêm khiết, độ tin cậy và tính hiệu quả, cùng với việc bảo đảm các quyền cơ bản.

 Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nói: “Báo cáo Chỉ số công lý phản ánh chính xác khả năng tiếp cận công lý của người dân. Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị thiết thực về mặt chính sách nhằm khắc phục những bất cập trong biệc bảo đảm công lý cho người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội”.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc CECODES cho biết: “Chỉ số này là một sáng kiến quan trọng, phản ánh nguyện vọng của người dân về một xã hội dân chủ và công bằng mà Nhà nước Việt Nam đang theo đuổi“.

Chỉ số công lý 2012 cho thấy mức độ kém hiệu quả của một số cơ quan Nhà nước, với 1/5 tất cả các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và ô nhiễm môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan của Nhà nước. Đồng thời, khoảng 1/2 tất cả các tranh chấp đất đai  và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi Nhà nước xử lý và các cơ quan Nhà nước thường cần nhiều thời gian hơn luật định để xử lý các khiếu kiện hành chính.

Trong thực tế, thời gian trung bình để xử lý một khiếu kiện hành chính kéo dài từ 17 đến 27 tháng, tuỳ thuộc vào khiếu kiện đó là của cá nhân hay của hộ gia đình.

Chỉ số công lý 2012 cũng phát hiện tình trạng bất bình đẳng về cơ hội thực hiện các quyền cơ bản và tham gia vào quá trình cải cách Hiến pháp, đặc biệt ở các nhóm dân cư bị thiệt thòi về mặt xã hội như những người ít được học hành, người nghèo và phụ nữ. Cứ 10 người dân thì có 4 người “chưa bao giờ nghe đến” hoặc “không biết gì” về Hiến pháp. Trong số những người có biết đến Hiến pháp, 23% không biết gì về quá trình sửa đổi Hiến pháp đang diễn ra.

Người dân đã lên tiếng đòi phải có một hệ thống công lý nhạy bén, có hiệu quả, đáng tin cậy, chuyên nghiệp và dễ tiếp cận, với mức độ liêm khiết cao. Cuộc điều tra nhấn mạnh rằng cải cách tư pháp và tăng cường thực thi pháp luật có vai trò then chốt trong việc nâng cao mức phát triển con người cao ở Việt Nam.

Chi tiết Chỉ số công lý 2012 tại đây.

Thanh Xuân

VnReview

http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview/-/view_content/content/740606/chi-so-cong-ly-la-gi