Theo báo cáo Chỉ số công lý 2012 (JUPI), các loại tranh chấp phổ biến nhất theo thứ tự là tranh chấp lao động, kinh tế và đất đai.
Chỉ số công lý là số liệu tổng hợp từ thực tiễn phản ánh ý kiến của người dân về hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ công lý tại các địa phương. Đây là các chỉ báo về những tồn tại, hạn chế trong tiếp cận công lý và bảo vệ quyền của người dân ở cấp quốc gia và so sánh giữa các địa phương.
Theo báo cáo, các loại tranh chấp phổ biến nhất theo thứ tự là tranh chấp lao động, kinh tế và đất đai.
Tranh chấp lao động chủ yếu là về tiền lương (59%) trong đó 40% tranh chấp xảy ra với người lao động thời vụ, ngắn hạn, không có hợp đồng.
Trong tranh chấp kinh tế, vướng mắc phổ biến giữa doanh dân với cơ quan quản lý nhà nước là về thuế và thủ tục đăng ký kinh doanh. Vướng mắc phổ biến giữa doanh dân với nhau là về vay ngân hàng và tín dụng.
Trong tranh chấp đất đai thì có đến 62% là tranh chấp dân sự: đất giáp ranh, thừa kế, mua bán nhà đất…
Báo cáo cũng chỉ ra một thực tế là trên 20% tranh chấp lao động, khiếu nại chính sách xã hội và môi trường không được giải quyết. Gần 50% tranh chấp đất đai và khiếu nại về môi trường đang tồn đọng, chưa được giải quyết xong. Tranh chấp kinh tế và dân sự được giải quyết tốt hơn các loại tranh chấp khác, tỷ lệ đã giải quyết trên 70%.
Tuy nhiên, thời gian thụ lý giải quyết còn nhiều hạn chế khi phần lớn thời gian thụ lý giải quyết các yêu cầu là vượt quá thời hạn theo luật định. Trung bình đối với khiếu nại môi trường là 17 tháng, khiếu nại về chính sách xã hội là 27 tháng, với nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 41 tháng.
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/lao-dong-tien-luong-van-nhuc-nhoi-chuyen-cong-bang-2013111209070450015ca33.chn