Người đồng tính, người có HIV và người nghèo khó tiếp cận công lý

Đó là một trong những nội dung được đưa ra trong lễ công bố Chỉ số công lý 2012 diễn ra tại Hà Nội. Chỉ số này này do Hội luật gia Việt Nam hợp tác với Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng và UNDP Việt Nam tiến hành khảo sát độc lập, không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương để đảm bảo tính khách quan.

Tiếng nói đầu tiên từ phía người dân

Chỉ số này được tiến hành được tổng hợp từ bảng hỏi trực tiếp với 5045 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành khác trên cả nước. Nội dung của bảng hỏi xoay quanh ý kiến của người dân về hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ công lý tại địa phương trong các tranh chấp khiếu nại và giải quyết các thủ tục hành chính công.

Chỉ số công lý dựa trên 5 nội dung cơ bản: Khả năng tiếp cận của người dân, sự công bằng, sự liêm chính, tin cậy và hiệu quả, và cuối cùng là việc đảm bảo các quyền cơ bản theo quy định của hiến pháp. Theo kết quả của chỉ số công lý 2012, nhóm người nghèo, người yếu thế gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận công lý.

Đánh giá cao chỉ số này, ông Bakhodir Bukhanov nói: “Đây là chỉ số công lý thực chứng đầu tiên, phản ánh tiếng nói của người dân. Từ những ý kiến này, Việt Nam có thể xác định mục tiêu cải cách bởi người dân chính là đối tượng thụ hưởng cuối cùng của các dịch vụ từ nhà nước đồng thời cũng là cơ sở tham khảo để xây dựng một hệ thống tư pháp hiệu quả”.

 

Theo kết quả của chỉ số, Đà Nẵng được 1 điểm trong thang điểm từ 0 – 1, đứng đầu 21 tỉnh thành được khảo sát. Khánh Hòa đứng cuối cùng trong bảng chỉ số này. Đáng chú ý, chỉ số công lý không liên quan nhiều với GDP và CPI. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra, chỉ số công lý có liên quan mật thiết với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công(PAPI) – tỉnh nào hành chính công tốt thì chỉ số công lý cũng tốt.

 

Giàu có chưa chắc đã mang lại công lý

 

Ông Nguyễn Công Hồng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thành viên ban tư vấn chia sẻ: Tôi rất kỳ vọng bởi chúng ta đã có thêm công cụ đánh giá khách quan, toàn diện, nhiều chiều về công lý và bảo vệ công lý. Dù chưa phản ánh được bức tranh tổng thể toàn quốc nhưng nghiên cứu đã đi đúng hướng và có độ tin cậy cao.

 

Ông Trương Anh Tuấn – Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Nam Định(đơn vị chưa có tên trong báo cáo) đánh giá cao chỉ số công lý 2012, cho đây là kênh thông tin quan trọng đối với các cơ quan công quyền. Nếu được xem xét với thái độ khoa học và tinh thần trách nhiệm cao sẽ đóng góp nâng cao chất lượng của cơ quan công quyền. Ông Tuấn bày tỏ mong năm tới chỉ số sẽ được mở rộng ra các tỉnh khác trên cả nước.

 

Một thành viên khác của Ban tư vấn – TS Phạm Duy Nghĩa cũng có cùng đánh giá về giá trị của chỉ số này bởi đây là tiếng nói của người dân về công lý chứ không phải của quan chức hay các học giả. Ông Phạm Duy Nghĩa băn khoăn: Bảng chỉ số công lý giống như một công cụ bắt mạch xem nền công lý Việt Nam đang trục trặc ở đâu. Tuy nhiên làm thế nào để chỉ số này tác động ngược trở lại vào chính sách để những người dân có thể được hưởng thụ công lý, bởi công lý không đồng nghĩa với luật trên giấy mà phải dựa trên niềm tin của người dân với chính quyền. Ông Nghĩa cũng đồng thời nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế phải đi đôi với việc đảm bảo công bằng, công lý cho cả những người dân nghèo bởi giàu có chưa chắc đã mang lại công lý.

Tuấn Ngọc

http://motthegioi.vn/cau-vong-luc-sac/nguoi-dong-tinh-nguoi-co-hiv-va-nguoi-ngheo-kho-tiep-can-cong-ly-2/