Hải quan online: Tại sao “tự giải quyết”?

(HQ Online)- Sáng 3-10, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNDP công bố chỉ số công lý – thực trạng về công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân năm 2012. Kết quả được xây dựng thông qua việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ hơn 5.000 người được phỏng vấn tại Hà Nội, TP.HCM và 19 tỉnh, thành được lựa chọn ngẫu nhiên khác trong năm 2012.

Bản báo cáo khẳng định một số phát hiện chính về thực trạng tiếp cận công lý và bảo vệ các quyền cơ bản cho người dân cũng như hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước trong giải quyết tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính ở Việt Nam.

Điều đáng nói là những nội dung trong bản báo cáo này đã góp phần lý giải xu hướng “tự giải quyết” hoặc sử dụng các cơ chế không chính thức để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân –  điều khiến cho nhiều vị đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình vi phạm pháp luật và công tác tư pháp tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp diễn ra gần đây.

Đó là hiệu quả thấp trong đáp ứng các yêu cầu pháp lý cơ bản, hỗ trợ giải quyết tranh chấp dân sự và xử lý khiếu nại hành chính của các cơ quan Nhà nước. Đơn cử, trong các lĩnh vực cụ thể, báo cáo cho biết, qua phản ánh của số người được phỏng vấn, có gần 50% tranh chấp đất đai và khiếu nại về môi trường đang tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm. Thời gian giải quyết trung bình với khiếu nại về môi trường là 17 tháng; với khiếu nại về chính sách xã hội là 27 tháng, với nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới 41 tháng (gần  3 năm rưỡi)…

Mặc dù các tranh chấp về kinh tế và dân sự được giải quyết tốt hơn các loại tranh chấp khác, nhưng tỷ lệ đã giải quyết cũng chỉ đạt khoảng 70%. Phần lớn thời gian thụ lý giải quyết mọi loại yêu cầu đều vượt quá thời hạn theo luật định. Trong số các địa phương được khảo sát, TP.HCM được coi là làm tốt hơn cả về thời gian xử lý khiếu nại, nhưng Hà Nội và Đà Nẵng lại thuộc nhóm cuối bảng. Nhìn chung, thái độ chuyên nghiệp của các tỉnh miền Bắc thấp hơn trung bình cả nước.

Câu trả lời về giải pháp hạn chế tối đa tình trạng “tự xử” trong cộng đồng dân cư như vậy là đã rõ và có cơ sở khoa học: Chắc chắn cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự cần được cải thiện theo hướng giảm thời gian thụ lý, tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Chỉ bằng cách đó mới có thể cải thiện niềm tin của người dân vào các thiết chế công.

Cẩm Hà

http://www.baohaiquan.vn/pages/tai-sao-tu-giai-quyet.aspx