Hội luật gia Việt Nam: Công bố báo cáo Chỉ số Công lý

Ngày 16/6/2016 tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Chỉ số công lý năm 2015 – Hướng tới một nền tư pháp vì dân”.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam; GS. TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; TS. Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia, UNDP Việt Nam; và đại diện các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, các Đại sứ quán, các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam và Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã thực hiện khảo sát.

 

Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2012, Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện thí điểm việc nghiên cứu, khảo sát Chỉ số công lý tại 21 tỉnh/thành phố và chính thức công bố Báo cáo chỉ số công lý vào tháng 10 năm 2013. Báo cáo Chỉ số công lý thí điểm này được các cơ quan, ban, ngành đánh giá cao, có giá trị tham khảo trong việc đánh giá thực trạng, phân tích chính sách nhằm triển khai có hiệu quả các tiến trình xây dựng hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp; giúp các cơ quan hoạch định chiến lược, chính sách, các cơ quan, tổ chức có chức năng theo dõi và giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp xác định các mặt còn hạn chế và bất cập trong việc bảo đảm công lý cho người dân; xác định các mục tiêu cụ thể cho việc đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Tiếp theo kết quả của bộ Chỉ số Công lý năm 2012, năm 2015, Hội Luật gia Việt Nam và UNDP tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành khảo sát và thử nghiệm phương pháp xây dựng chỉ số ở 21 tỉnh, thành phố. Sau đó, dựa trên cơ sở báo cáo khảo sát tại 21 tỉnh, thành phố nói trên, Hội Luật gia Việt Nam và UNDP tiếp tục thực hiện hoạt động này trên phạm vi toàn quốc.

 

Chỉ số Công lý là một trong những sáng kiến nhằm xây dựng một công cụ đo lường hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm tiếp cận công lý, bình đằng và bảo vệ quyền dựa trên phản hồi từ trải nghiệm và quan sát thực tiễn của người dân về hoạt động của hệ thống công quyền. Ba câu hỏi chính mà nghiên cứu Chỉ số Công lý tập trung tìm hiểu là:

1. Vai trò và hiệu quả của các thiết chế tư pháp trong việc tạo điều kiện tối thiểu cho tiếp cận công lý trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu nại hành chính, bảo vệ quyền cơ bản theo Hiến pháp của người dân trên thực tế.

2. Các thể chế hiện nay có là cơ sở hữu hiệu để bảo đảm thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền tiến bộ xã hội.

3. Các cơ hội để chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức hội đoàn và xã hội dân sự đóng góp vào cải thiện tình hình hiện tại theo hướng hành động, thay đổi và cải cách, dựa trên việc khắc phục và giải quyết các hạn chế và yếu kém theo phản hồi của người dân.

Trên cơ sở các nội dung này, nghiên cứu chỉ số công lý hướng tới hai mục tiêu: Một là đánh giá tổng quan trên toàn quốc về bảo đảm tiếp cận công lý, công bằng và bình đẳng trong giải quyết tranh chấp và khiếu nại, cũng như quyền cơ bản của người dân theo Hiến pháp. Hai là xây dựng một bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương (cấp tỉnh, thành phố) trong việc bảo đảm công lý và quyền cơ bản của người dân.

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, GS.TS Lê Minh Tâm khẳng định “Chỉ số công lý là một công cụ định lượng được xây dựng để chuyển tải ý kiến đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quyền cơ bản của người dân trên thực tế. Đồng thời, Chỉ số công lý cũng giúp cho các bên có liên quan đánh giá và giám sát các thay đổi về thực thi pháp luật và bảo đảm công lý ở Việt Nam”.

GS. TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc.

Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đã và đang tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật và tiến trình cải cách tư pháp, nên rất mong muốn Chỉ số công lý sẽ được các cơ quan, tổ chức hữu quan đón nhận và sử dụng trong công việc của mình.

TS. Pratibha Mehta, đại diện UNDP đánh giá cao tình thần làm việc của nhóm chuyên gia cũng như chất lượng, hiệu quả của bộ chỉ số này mang lại.

Toàn cảnh buổi lễ Công bố Chỉ số Công lý.

Phát biểu bình luận về Chỉ số công lý năm 2015, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Chánh Văn phòng – Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ông Nguyễn Văn Úy, Trưởng ban Nội chính tỉnh Đắc Nông, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đắc Nông và GS.TS Nguyễn Đăng Dung đều cho rằng, trong quá trình khảo sát nghiên cứu về Chỉ số công lý cần mở rộng tham vấn các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để nâng cao chất lượng hơn nữa. Cần thiết phải sử dụng công cụ công bố kết quả khảo sát rộng hơn từ trung ương đến địa phương để có được cái nhìn rõ hơn, tác động vào tâm tư và trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân để họ phải suy nghĩ và hành động, vì đây là vấn đề nghiên cứu khoa học và độc lập vì tương lai của đất nước. Đồng thời cần tăng cường công tác truyền thông báo chí để nhân dân và các cơ quan, tổ chức được tiếp cận  gần hơn với kết quả nghiên cứu để họ có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa, qua đó thiết kế một hệ thống công lý của Việt Nam./.

Đàm Thanh Tuấn

 Nguồn: http://hoiluatgiavn.org.vn:8080/cong-bo-bao-cao-chi-so-cong-ly-d1040.html

Viết một bình luận