(Thanh tra) – Sáng 12/11, Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu “Chỉ số công lý 2012 với chủ đề thực trạng về công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân”.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp TS Hoàng Văn Tú cho biết: Chỉ số công lý dựa trên kinh nghiệm sinh sống của hơn 5.000 người dân tại 21 tỉnh được khảo sát trên 5 trục là khả năng tiếp cận, sự bình đẳng, tính liêm khiết, độ tin cậy và tính hiệu quả của các chính sách pháp luật có liên quan đến người dân.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (thành viên Ban Tư vấn của Chỉ số công lý) từng nhấn mạnh, luật pháp được thực thi như thế nào, có bảo vệ người dân hay không? Để đo lường tiếng nói của người dân về những vấn đề này thì đây là một chỉ số phản ánh thực tế đang diễn ra ở Việt Nam.
Theo báo cáo, cả nước có sự chênh lệch rất lớn giữa các tỉnh, thành, địa phương trong việc tiếp cận những thông tin về chính sách pháp luật. Khu vực Bắc Bộ là nơi tiếp cận thông tin pháp luật yếu nhất trong 3 chỉ số về khả năng tiếp cận.
Đối với trục công bằng, các TP lớn lại có xếp hạng yếu. Trong 3 TP lớn nhất nước là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng thì 2 địa phương Hà Nội và Đà Nẵng thuộc diện đứng cuối bảng về thực hiện các chỉ số liên quan đến công bằng.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra, hầu hết các tỉnh, thành đều xếp hạng thấp ở trục liêm chính, trừ Đà Nẵng. Điều đáng nói là hối lộ trong tranh chấp hành chính luôn cao hơn trong tranh chấp dân sự và tình trạng hối lộ thường phổ biến ở các TP lớn chứ không phải ở những tỉnh, thành nhỏ.
Người dân thì khá bất an về sự thiếu minh bạch trong quy hoạch đất đai và phàn nàn về sự thiếu rõ ràng trong giải quyết các thủ tục liên quan đến tranh chấp dân sự. Những hạn chế hiện thực hóa một số quyền cơ bản cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của người dân vào các thiết chế công quyền.
Cũng theo báo cáo, các loại tranh chấp phổ biến nhất theo thứ tự là tranh chấp lao động, kinh tế và đất đai. Theo đó, tranh chấp lao động chủ yếu là về tiền lương (59%), trong đó 40% tranh chấp xảy ra với người lao động thời vụ, ngắn hạn, không có hợp đồng. Trong tranh chấp kinh tế, vướng mắc phổ biến giữa doanh dân với cơ quan quản lý Nhà nước là về thuế và thủ tục đăng ký kinh doanh. Trong tranh chấp đất đai thì có đến 62% là tranh chấp dân sự (đất giáp ranh, thừa kế, mua bán nhà đất…).
Nhưng một thực tế là trên 20% tranh chấp lao động, khiếu nại chính sách xã hội và môi trường không được giải quyết. Gần 50% tranh chấp đất đai và khiếu nại về môi trường đang tồn đọng, chưa được giải quyết xong. Tranh chấp kinh tế và dân sự được giải quyết tốt hơn các loại tranh chấp khác, tỷ lệ đã giải quyết trên 70%.
Trong khi đó, thời gian thụ lý giải quyết còn nhiều hạn chế khi phần lớn thời gian thụ lý giải quyết các yêu cầu là vượt quá thời hạn theo luật định. Trung bình đối với khiếu nại môi trường là 17 tháng, khiếu nại về chính sách xã hội là 27 tháng, với nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 41 tháng.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng cần tiếp tục cải cách tư pháp và nâng cao hiệu lực của pháp luật để bảo đảm công lý cho người dân. Xây dựng hệ thống tư pháp hiện đại, hữu hiệu, liêm chính và dân chủ, đáp ứng các yêu cầu của người dân. Các dịch vụ hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp cần tiếp tục được cải thiện, bảo đảm thân thiện và dễ tiếp cận với người dân, đặc biệt là người nghèo, nhóm yếu thế….
Các khuyến nghị chính sách ở cấp quốc gia và địa phương là cơ sở cho các cơ quan Nhà nước thực hiện trách nhiện giải trình về hiệu quả hoạt động, giúp giám sát các tiến trình cải cách luật pháp và tư pháp.