Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Báo cáo trên là thành quả hợp tác, nghiên cứu của Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng và Chương trình phát triển Liên hợp quốc thực hiện dựa vào kinh nghiệm khảo sát về tiếp cận công lý đã được tiến hành trước đây. Chỉ số công lý giới thiệu ở hướng tiếp cận mới để đánh giá kết quả tiến trình cải cách luật pháp và tư pháp đang diễn ra ở nước ta. Chỉ số này dựa trên kinh nghiệm thực tế của trên 5.000 người dân thuộc nhiều tầng lớp xã hội đang sinh sống ở 21 tỉnh, thành cả nước, phản ánh 5 khía cạnh của quản trị công lý về chế độ pháp quyền theo ý kiến và sự trải nghiệm của người dân. Cụ thể là khả năng tiếp cận, sự bình đẳng, tính liêm khiết, độ tin cậy và tính hiệu quả cùng với việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân.
Hội thảo đã được nghe trình bày các tham luận như: Giới thiệu kết quả Chỉ số công lý: Thực trạng về Công bằng và Bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân năm 2012; Chỉ số công lý – Mối quan hệ với vai trò, chức năng của HĐND; Thảo luận của các đại biểu về việc sử dụng chỉ số vào hoạt động của HĐND….Qua hội thảo nhằm cung cấp một tài liệu hữu ích và có giá trị tham khảo đến các đại biểu HĐND và khẳng định một số phát hiện chính về thực trạng tiếp cận công lý và bảo vệ các quyền cơ bản của người dân cũng như hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước trong giải quyết tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính ở Việt Nam, từ đó nêu ra một số kiến nghị về chính sách góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới./.
Ngọc Thiện
Báo Tầm Nhìn
http://www.kinhtetapdoan.net/XAHOI/27033/Gioi-thieu-bao-cao-Chi-so-cong-ly-Thuc-trang-ve-Cong-bang-va-Binh-dang-dua-tren-y-kien-cua-nguoi-dan.html#.UoHCp6UyWoU