Báo PLXH: Công bố Chỉ số công lý 2012: Cần tăng cường tiếp cận pháp luật đối với người nghèo và phụ nữ

(PL&XH) – Chỉ số công lý 2012 cho thấy mức độ kém hiệu quả của một số cơ quan Nhà nước với 1/5 các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và ô nhiễm môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan Nhà nước.

Cơ quan hành chính ở địa phương giữ vai trò chủ yếu trong việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu và tranh chấp pháp lý của người dân. Tuy nhiên, ngay với những yêu cầu hành chính tư pháp giản đơn như đăng ký kết hôn, khai sinh và hộ tịch, người dân ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo khảo sát, vướng mắc về đăng ký khai sinh chiếm 22,2% các vướng mắc dân sự (không bao gồm các vướng mắc liên quan đến đất đai, nhà ở); vướng mắc khi đăng ký kết hôn chiếm 14,5% và vướng mắc khi đăng ký hộ khẩu chiếm 16,7% – Đó là một trong những thực trạng đáng chú ý trong Chỉ số công lý 2012 được Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) công bố ngày 3-10.

Theo ông Nguyễn Hưng Quang, thành viên nhóm nghiên cứu, Chỉ số công lý 2012 lần đầu tiên được công bố phản ánh 5 khía cạnh của quản trị công lý và chế độ pháp quyền theo ý kiến và sự trải nghiệm của người dân, bao gồm: Khả năng tiếp cận, công bằng, liêm chính, độ tin cậy và tính hiệu quả cùng với việc bảo đảm các quyền cơ bản. Dựa trên kinh nghiệm thực tế của hơn 5 nghìn người dân được lựa chọn ngẫu nhiên thuộc nhiều tầng lớp xã hội đang sinh sống ở 21 tỉnh, thành trên khắp đất nước Việt Nam. Chỉ số công lý đã phản ánh ý kiến và nhận xét của người dân về hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm công lý và các quyền cơ bản của người dân.

Chỉ số công lý 2012 cho thấy mức độ kém hiệu quả của một số cơ quan Nhà nước với 1/5 các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và ô nhiễm môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan Nhà nước. Đồng thời, khoảng ½ tranh chấp đất đai và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi Nhà nước xử lý. Các cơ quan Nhà nước cũng thường cần nhiều thời gian hơn Luật định để xử lý các khiếu kiện hành chính. Thực tế, thời gian giải quyết trung bình với khiếu nại về môi trường là 17 tháng; với khiếu nại về chính sách xã hội là 27 tháng, với nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới 41 tháng… Các quy định hiện hành về quyền sử dụng đất và các kế hoạch sử dụng đất không minh bạch ở địa phương cũng là nguyên nhân khiến người dân mất lòng tin vào sự an toàn của hạn điền, khiến họ không muốn đầu tư lâu dài vào đất đai.

Chỉ số công lý 2012 cũng đánh giá, quyền và lợi ích kinh tế hợp pháp của người lao động trong bối cảnh kinh tế thị trường, đặc biệt là những người làm công việc giản đơn và không có thời hạn xác định chưa được đảm bảo tốt. Vai trò của công đoàn và các cơ quan Nhà nước trong việc duy trì các cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền lợi chính đáng của người lao động chưa thực sự được ghi nhận. Quyền được sống trong một môi trường không ô nhiễm cũng chưa thực sự được bảo đảm. Nghiêm trọng hơn, chưa có một cơ chế hiệu quả để người dân có thể yêu cầu giải quyết tình trạng ô nhiễm, khắc phục hậu quả và yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm. Thực trạng này phần nào là hệ quả của chính sách ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá và không chú trọng thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý các hành vi vi phạm.

Một nội dung đáng quan tâm khác là Chỉ số công lý 2012 đã phát hiện tình trạng bất bình đẳng về cơ hội thực hiện các quyền cơ bản và tham gia vào quá trình cải cách Hiến pháp, đặc biệt ở các nhóm dân cư bị thiệt thòi về mặt xã hội như những người ít được học hành, người nghèo và phụ nữ. Cứ 10 người dân được khảo sát thì có 4 người “chưa bao giờ nghe đến” hoặc “không biết gì” về Hiến pháp. Trong số những người có biết đến Hiến pháp, 23% không biết gì về quá trình sửa đổi Hiến pháp đang diễn ra.

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, báo cáo Chỉ số công lý phản ánh chính xác khả năng tiếp cận công lý của người dân. Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị thiết thực về mặt chính sách nhằm khắc phục những bất cập trong việc bảo đảm công lý cho người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Theo đó, cải cách tư pháp và tăng cường thực thi pháp luật có vai trò then chốt trong việc nâng cao mức phát triển con người ở Việt Nam. Một hệ thống tư pháp hiệu quả, đáng tin cậy, liêm chính, chuyên nghiệp và dễ tiếp cận đang là kỳ vọng của người dân.

Người dân trông đợi ở hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử trong công tác giám sát, cụ thể là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Đồng thời, hy vọng việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ góp phần cải thiện hoạt động quản trị quốc gia theo hướng dân chủ. Cụ thể là các quyền cơ bản được tôn trọng, bảo vệ; cán bộ Nhà nước làm đúng trách nhiệm và không lạm quyền; người dân “được biết, được bàn, được kiểm tra”.

Thanh Hải

Báo Pháp luật Xã hội

http://www.phapluatxahoi.vn/20131004091912721p1002c1022/cong-bo-chi-so-cong-ly-2012-can-tang-cuong-tiep-can-phap-luat-doi-voi-nguoi-ngheo-va-phu-nu.htm