Đà Nẵng đứng đầu bảng Chỉ số Công lý trong số 21 tỉnh, thành được khảo sát. TP.HCM hạng 13.
“Mỗi năm, Quốc hội (QH) đều ban hành thêm nhiều luật mới, nghị định của Chính phủ cũng ban hành rất nhiều, mỗi năm bốn, năm chục cái, số văn bản của chính quyền các cấp cũng tăng lên rất nhanh. Trước đây chưa có công chứng tư, bây giờ có công chứng tư, thừa phát lại… Những thiết chế pháp lý đó ngày càng được xây dựng nhiều cùng với sự ra đời của các luật. Nhưng luật pháp đó được thực thi như thế nào, có bảo vệ người dân hay không, tác động đến người giàu, người nghèo có khác nhau không? Để đo lường tiếng nói của người dân về những vấn đề này thì đây là một chỉ số phản ánh thực tế đang diễn ra ở Việt Nam”.
Đó là ý kiến của PGS-TS Phạm Duy Nghĩa (thành viên Ban Tư vấn của chỉ số công lý) tại buổi công bố Chỉ số Công lý 2012 sáng 3-10. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này được công bố.
Tranh chấp đất đai phổ biến nhất
Chỉ số công lý 2012 (do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng và UNDP hỗ trợ thực hiện) được xây dựng dựa trên đánh giá của người dân về năm vấn đề: Khả năng tiếp cận pháp lý, mức độ công bằng, tính liêm chính, độ tin cậy và hiệu quả, bảo đảm quyền cơ bản. Nhóm nghiên cứu cũng cho hay chỉ số công lý là số liệu tổng hợp từ thực tiễn phản ánh ý kiến của người dân về hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ công lý tại các địa phương.

Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Hưng Quang, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết khảo sát các loại tranh chấp phổ biến (lao động, kinh tế, đất đai, môi trường..), gần 1/2 người dân được khảo sát cho rằng tranh chấp đất đai là loại hình tranh chấp phổ biến nhất và tiếp tục là vấn đề gây bất ổn ở địa phương. Trong đó 62% là các tranh chấp dân sự như đất giáp ranh, thừa kế, mua bán nhà đất… Ông Quang cũng cho hay có 60% người dân trả lời rằng chính quyền địa phương ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường.
Về kết quả xử lý các tranh chấp này, kết quả khảo sát cho thấy gần 50% các tranh chấp đất đai, khiếu nại về môi trường đang tồn đọng, chưa được giải quyết xong. Tranh chấp kinh tế và dân sự được giải quyết tốt hơn với tỉ lệ 70%. Về thời gian thụ lý các vụ tranh chấp này, phần lớn đều vượt quá quy định (trong đó thời gian trung bình giải quyết khiếu nại môi trường là 17 tháng, chính sách xã hội là 27 tháng…).
Theo ông Quang, khảo sát về vấn đề đảm bảo các quyền cơ bản của công dân trên thực tế cho thấy người có học vấn thấp, người nghèo và phụ nữ là nhóm bất lợi trong việc hiện thực hóa phần lớn các quyền cơ bản này. Ngược lại, người có vị thế xã hội thì lạc quan hơn các nhóm khác về khả năng hiện thực hóa các quyền này.
Coi trọng phát triển con người
Từ kết quả khảo sát trên, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị. Đó là tiến trình cải cách tư pháp cần tiếp tục để đảm bảo công lý cho người dân trên cơ sở coi trọng mục tiêu phát triển con người hơn phát triển kinh tế. Các quyền hiến định cần được luật định và người dân cần được biết về các quyền cơ bản theo chuẩn mực về pháp luật quốc tế. Đối với các tranh chấp phổ biến, cần giảm thời gian thụ lý, tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả và trên hết là cải thiện niềm tin của người dân vào các thiết chế công…
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa cũng cho rằng qua chỉ số này, các cơ quan hành chính cũng cần nhìn nhận xem nền hành chính đang có khuyết tật gì và cần làm gì để giải quyết tốt hơn quyền lợi của người dân. Kết quả này cũng dành cho các nhà hoạch định chính sách sử dụng để trả lời câu hỏi rằng có phải luật chỉ nằm trên giấy hay luật ở ngoài đời. “Hay nói cách khác, công lý không đồng nghĩa với luật ở trên giấy mà luật ở trong đời sống mới chính là hiện thân của công lý” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đà Nẵng đứng đầu Qua khảo sát ý kiến của 5.000 người dân ở 21 tỉnh, thành, kết quả tổng hợp cho thấy Đà Nẵng được người dân đánh giá có chỉ số công lý cao nhất. Kế đến là Sơn La, Lạng Sơn. TP.HCM đứng thứ 13/21, Hà Nội đứng thứ 12/21. Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tây Ninh là ba địa phương có chỉ số công lý thấp nhất bảng. Thêm công cụ đánh giá Tôi kỳ vọng nếu việc khảo sát công bố chỉ số công lý có căn cứ xác thực sẽ có thêm công cụ đánh giá khách quan, nhiều chiều của người dân để có cái nhìn toàn diện về thực thi công lý. Ý kiến của hơn 5.000 người dân có thể chưa phản ánh một bức tranh toàn diện nhưng đây là cơ sở khoa học có độ tin cậy cao. Ông NGUYỄN CÔNG HỒNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH |
THU HẰNG
http://phapluattp.vn/20131004120448708p0c1013/thuc-thi-luat-thuoc-do-cong-ly.htm