Báo Pháp luật và Xã hội: Công bố chỉ số công lý 2012: Nhiều địa phương ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường

(PLXH) -Ngày 3-10, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam, TT Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng tổ chức công bố chỉ số công lý năm 2012

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn phỏng vấn ngẫu nhiên 5.045 người ở 21 tỉnh, TP, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để thu thập các đánh giá về cơ chế tiếp cận thông tin; hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước trong giải quyết tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính ở Việt Nam…. đánh giá thực trạng về công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân.
Kết quả cho thấy, vướng mắc phổ biến giữa doanh dân với cơ quan quản lý nhà nước là về thuế và thủ tục kinh doanh; giữa doanh dân với nhau là về vay vốn ngân hàng. Trong quan hệ lao động, có tới 59% tranh chấp là về tiền lương.
Ở lĩnh vực môi trường, có 31% người được khảo sát cho biết, đang phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, nhưng chỉ 12% có khiếu nại, yêu cầu khắc phục và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm. Trên thực tế, còn thiếu các quy định về thủ tục kiếu kiện tập thể về yêu cầu bồi thường ô nhiễm. Đồng thời, việc chưa có một cơ chế pháp lý hữu hiệu giúp người dân yêu cầu giải quyết và khắc phục ô nhiễm cũng như bồi thường thiệt hại phát sinh từ ô nhiễm đang là những rào cản cho việc bảo vệ quyền lợi về kinh tế, sức khỏe và sinh kế của người dân.
Đáng quan tâm, hơn 60% người tham gia khảo sát cho rằng chính quyền địa phương đang “ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường”. Cũng theo kết quả khảo sát, có gần 50% tranh chấp đất đai và khiếu nại về môi trường đang tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm. Thời gian xử lý khiếu nại về môi trường trung bình là 17 tháng. 41 tháng là thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một nội dung đáng quan tâm khác là theo Chỉ số công lý 2012, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương giữ vai trò chủ yếu trong việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu và tranh chấp pháp lý của người dân. Tuy nhiên, ngay với những yêu cầu hành chính tư pháp giản đơn như đăng ký kết hôn, khai sinh và hộ tịch, người dân ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát, vướng mắc về đăng ký khai sinh chiếm đến 22,2% các vướng mắc dân sự (không bao gồm các vướng mắc liên quan đến đất đai, nhà ở); vướng mắc khi đăng ký kết hôn chiếm 14,5% và vướng mắc khi đăng ký hộ khẩu chiếm 16,7%.
Ngoài ra, bất bình đẳng về tiếp cận thông tin và các dịch vụ pháp lý đang là rào cản trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân trên thực tế. Quyền tiếp cận thông tin chưa được bảo đảm thể hiện từ việc đảm bảo cung cấp thông tin pháp luật của cơ quan nhà nước nói chung tới việc công khai minh bạch các thông tin về dịch vụ công như xin GCNQSDĐ hoặc các yêu cầu hành chính tư pháp cơ bản như đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, hộ tịch.
Khoảng cách bất bình đẳng về quyền, bất bình đẳng về cơ hội và bất bình đẳng trong tiếp cận các thiết chế công thể hiện rõ trong tương quan giữa các nhóm yếu thế với các nhóm dân số khác trong xã hội. Cụ thể, người có học vấn thấp là nhóm yếu thế nhất, tiếp sau là nhóm người nghèo và nhóm phụ nữ.
Hải Yến
Báo Pháp luật & Xã hội
http://www.phapluatxahoi.vn/2013100305082594p1002c1022/cong-bo-chi-so-cong-ly-2012-nhieu-dia-phuong-uu-tien-phat-trien-kinh-te-hon-bao-ve-moi-truong.htm