Báo Nhân dân: Chỉ số công lý 2015: Hướng tới một nền tư pháp vì dân

NDĐT – Hiệu quả của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc giải quyết các yêu cầu và vướng mắc pháp lý của người dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp và đây là lý do khiến nhiều người dân còn có tâm lý tự giải quyết hoặc chọn các phương pháp không chính thức để giải quyết tranh chấp, thay vì tiếp xúc với các thiết chế tư pháp cơ sở.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi công bố Chỉ số công lý 2015 do Hội Luật gia Việt Nam (VLA), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng xây dựng, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Chỉ số này dựa trên kinh nghiệm thực tế của gần 14.000 người dân trên khắp đất nước Việt Nam, phản ánh ý kiến đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm công lý và các quyền cơ bản của người dân.

Phát biểu ý kiến tại lễ công bố Chỉ số công lý 2015, GS-TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: Chỉ số công lý có tiềm năng sử dụng rất lớn, hữu ích, là dữ liệu đáng tin cậy phản ánh ý kiến, quan điểm của người dân thông qua sự cảm nhận và trải nghiệm của họ. Chỉ số công lý là công cụ hữu ích để có được nguồn thông tin khách quan để Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân phân tích, đánh giá và giám sát hoạt động tư pháp và bảo đảm công lý, bảo vệ quyền của người dân Việt Nam. Chỉ số Công lý cũng là công cụ góp phần hoạch định chính sách và hoàn thiện chính sách ở cấp chính quyền địa phương cũng như ở cấp quốc gia bảo đảm thực hiện các chiến lược về cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam”.

Chỉ số công lý 2015 cho thấy hiệu quả trợ giúp của cơ quan nhà nước địa phương về giải quyết vướng mắc pháp lý và khiếu nại của người dân còn thấp. Trợ giúp của luật sư và trợ giúp pháp lý được đánh giá cao hơn về hiệu quả so với trợ giúp của các cơ quan tư pháp địa phương. Bên canh đó, việc tiếp cận tòa án còn nhiều hạn chế mà lý do chính là các quan ngại về chi phí, về thủ tục, và niềm tin vào sự công tâm của thẩm phán và cán bộ tòa án.

So sánh với kết quả khảo sát 2012, Chỉ số công lý 2015 có những những thay đổi tích cực về tiếp cận thông tin và mức hiểu biết pháp luật của người dân, nhưng còn tồn tại bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội. Người nghèo, người có học vấn thấp và người không có vị trí xã hội chịu nhiều rào cản xuất phát từ nguồn lực cá nhân và nguồn lực xã hội, vì vậy gặp nhiều hạn chế về tiếp cận thông tin, tiếp cận các thiết chế tư pháp cơ sở.

Theo Chỉ số Công lý 2015, các chiến lược phát triển chỉ dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế sẽ là không trọn vẹn. Để triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững và chính sách tăng trưởng bao trùm, cải cách tư pháp là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể là đổi mới hoạt động các cơ quan tư pháp hướng tới xây dựng một nền tư pháp vì dân, bảo đảm trên thực tế các quyền và tự do cá nhân theo Hiến pháp.

Chỉ số công lý 2015 cũng khuyến nghị tăng cường công khai, minh bạch và hiệu quả hoạt động của các thiết chế tư pháp ở cơ sở, làm tiền đề xây dựng và củng cố niềm tin vào hệ thống tư pháp địa phương. Cần có các chính sách cụ thể tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, tiếp cận các dịch vụ bổ trợ tư pháp thuận lợi, thân thiện và hiệu quả, bảo đảm công bằng và bình đẳng cho các nhóm yếu thế trong xã hội. Đồng thời, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ luật sư và trợ giúp pháp lý để hỗ trợ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong việc giải quyết tranh chấp cũng như tiếp cận các nguồn thông tin pháp luật có chuyên môn và chất lượng.

Chỉ số công lý 2015 cũng khuyến nghị chuyển trọng tâm từ việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật từ trung ương tới các địa phương.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết: “Kinh nghiệm từ các nước đã thành công vượt qua giai đoạn quá độ trở thành nước thu nhập trung bình khẳng định rằng mối quan hệ giữa nhà nước và người dân tiến triển khi đất nước phát triển và tiến tới thịnh vượng. Người dân có đời sống khá lên, có học thức cao hơn và hội nhập với quốc tế hơn sẽ đòi hỏi chất lượng và hiệu quả dịch vụ cao hơn. Họ yêu cầu chính quyền, bao gồm ngành tư pháp, giảm quan liêu và tăng minh bạch và trách nhiệm giải trình”.

*Chỉ số Công lý lần đầu tiên được thực hiện thí điểm ở 21 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và công bố vào năm 2013. Chỉ số công lý 2015 là báo cáo thứ hai được thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố và sau đó được tổng hợp với báo cáo khảo sát do UNDP thực hiện tại các tỉnh, thành còn lại trên phạm vi toàn quốc.

Vũ Thi – Báo Nhân dân

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/phapluat/item/29888502-chi-so-cong-ly-2015-huong-toi-mot-nen-tu-phap-vi-dan.html

Viết một bình luận