Báo GTVT: Công bố Chỉ số công lý 2012

GTVT: Kết quả khảo sát Chỉ số công lý 2012 ở 21 tỉnh, từ 5.045 người dân, cho thấy, loại tranh chấp phổ biến nhất là tranh chấp lao động, trong đó tranh chấp về tiền lương ở mức cao nhất 59%.

 Sáng 3/10, Hội Luật gia Việt Nam (HLG/VLA) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức lễ công bố Chỉ số công lý: Thực trạng về công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến người dân năm 2012. Đây là một công cụ mới để đánh giá kết quả tiến trình cải cách luật pháp và tư pháp đang diễn ra tại Việt Nam.
Mẫu khảo sát Chỉ số công lý năm 2012 tập trung ở 21 tỉnh gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 19 tỉnh được lựa chọn ngẫu nhiên, tổng hợp và phân tích dữ liệu từ 5.045 người dân được phỏng vấn trên 1/3 số tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Theo tình hình tổng quan cả nước, loại tranh chấp phổ biến nhất là tranh chấp lao động, trong đó tranh chấp về tiền lương ở mức cao nhất 59%. Tuy nhiên, trên 20% tranh chấp lao động, khiếu nại chính sách xã hội và môi trường không được giải quyết. Tranh chấp kinh tế, thương mại ở mức cao thứ hai nhưng được giải quyết tốt nhất trong các loại tranh chấp, với tỷ lệ đã giải quyết lên tới 70%.
Chỉ số công lý 21 tỉnh năm 2012 được xây dựng dựa trên 5 trục nội dung về thực thi pháp luật và đảm bảo công lý là khả năng tiếp cận, công bằng, liêm chính, tin cậy và hiệu quả, bảo đảm các quyền cơ bản. Trong số 21 tỉnh, thành phố được khảo sát, Đà Nẵng chiếm vị trí số 1 về chỉ số công lý. Khánh Hòa được xếp ở vị trí cuối cùng. Điều đó cho thấy Chỉ số công lý không tỷ lệ thuận với trình độ phát triển kinh tế, xã hội.
Nhóm nghiên cứu Chỉ số công lý đã đưa ra những khuyến nghị sử dụng chỉ số này nhằm triển khai có hiệu quả tiến trình xây dựng hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp tại Việt Nam hiện nay, xác định mục tiêu cụ thể cho việc đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp trong thời gian tới. Đó là các khuyến nghị chính sách cụ thể: tiếp tục cải cách tư pháp; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính, tư pháp hiệu quả, liêm chính; các quyền hiến định cần được luật định.
Thu Hà
Báo Giao thông vận tải
https://giaothongvantai.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/xa-hoi/201310/cong-bo-chi-so-cong-ly-2012-384482/