Những chỉ số cơ bản trong Báo cáo công lý 2012 do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố ngày 3/10 cho thấy còn nhiều “khuyết tật” trong thực thi pháp lý.
Những con số “giật mình”
Chỉ số công lý 2012 phơi bày mức độ kém hiệu quả công tác của nhiều cơ quan Nhà nước, với 1/5 số vụ khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và ô nhiễm môi trường không nhận được ý kiến phản hồi. Kết quả điều tra cũng cho thấy 50% số người được hỏi cho rằng, tranh chấp đất đai phổ biến nhất l à vấn đề “gây bất ổn” ở địa phương. Có tới 38% các cuộc tranh chấp đất đai liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù và tái định cư. Những người dân được điều tra cho biết, các quy định hiện hành về quyền sử dụng đất và các kế hoạch sử dụng đất không minh bạch ở các địa phương làm cho người dân mất lòng tin và sự an toàn của hạn điền và khiến họ không muốn đầu tư vào đất đai.
Bên cạnh đó, báo cáo còn cho thấy, vướng mắc phổ biến giữa doanh dân với cơ quan quản lý Nhà nước là về thuế và thủ tục kinh doanh; giữa doanh dân với nhau là về vay ngân hàng, tín dụng. Trong quan hệ lao động, có tới 59% tranh chấp về tiền lương, 40% tranh chấp xảy ra với người lao động thời vụ, ngắn hạn, không có hợp đồng. 19% người tham gia khảo sát cho biết, tình trạng sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi là phổ biến ở địa phương mình. Có 31% người được khảo sát sống trong môi trường bị ô nhiễm; 12% có khiếu nại, yêu cầu khắc phục và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm. Đặc biệt, có tới 60% người tham gia khảo sát cho rằng chính quyền địa phương đang ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường.
Phản ảnh chân thực nền công lý ở Việt Nam
Ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhận định: “Báo cáo chỉ số công lý phản ánh chính xác khả năng tiếp cận công lý của người dân. Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị thiết thực về mặt chính sách nhằm khắc phục những bất cập trong việc bảo đảm công lý cho người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Công Hồng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đây là một công trình nghiên cứu khoa học đúng hướng và có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, ông Hồng lưu ý với nhóm nghiên cứu cần bổ sung thêm các công cụ khác để có cái nhìn toàn diện về công lý ở Việt Nam. “Nói với tư cách cá nhân, người có nhiều duyên nợ với công tác luật pháp, tôi thấy rằng báo cáo này mặc dù chưa thể phản ánh hết bức tranh tổng thể về thực trạng công lý của toàn quốc, nhưng rõ ràng đây là công trình nghiên cứu khoa học đúng hướng và rất có ý nghĩa. Nếu chúng ta thành công ở cái này thì sẽ có thêm công cụ để đánh giá khách quan về công lý ở Việt Nam”, ông Hồng cho biết.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (khoa Luật, Đại học Kinh tế TP HCM) đánh giá, báo cáo đã phản ánh được tiếng nói của người dân về luật pháp đã được ban hành. Ông nghĩa cho rằng, báo cáo này chính là công cụ để “bắt mạch” xem nền công lý của Việt Nam có trục trặc ở đâu không? “Qua kết quả báo cáo thì rõ ràng chỉ số GDP không phải lúc nào cũng đồng thuận với chỉ số công lý. Điển hình như TP HCM và Khánh Hòa là hai tỉnh, thành thuộc diện kinh tế phát triển trong cả nước nhưng chỉ số công lý được công bố lại xếp hạng thấp”, ông Nghĩa cho biết.
Đình Quang
Báo Giao thông vận tải
http://giaothongvantai.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/xa-hoi/201310/bat-ngo-tu-cong-bo-chi-so-cong-ly-2012-384604/