(ĐCSVN) – Ngày 3/10, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng tổ chức công bố chỉ số công lý năm 2012, đánh giá thực trạng về công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân.
Kết quả được xây dựng thông qua việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ hơn 5.000 người được phỏng vấn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 19 tỉnh, thành được lựa chọn ngẫu nhiên khác trong năm 2012.
Chỉ số công lý năm 2012 dựa trên 5 trục nội dung về thực thi pháp luật và bảo đảm công lý gồm: khả năng tiếp cận, công bằng, liêm chính, sự tin cậy hiệu quả và bảo đảm các quyền cơ bản.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh: Báo cáo chỉ số công lý phản ánh chính xác khả năng tiếp cận công lý của người dân. Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị thiết thực về mặt chính sách nhằm khắc phục những bất cập trong việc bảo đảm công lý cho người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Song, thông qua bản báo cáo này cũng cho thấy vẫn còn sự kém hiệu quả của các cơ quan nhà nước trong việc đáp ứng yêu cầu pháp lý cơ bản của người dân và xử lý các vụ tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính, dẫn đến xu hướng “tự giải quyết” hoặc sử dụng các cơ chế không chính thức để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn.
Ông Đặng Hoàng Giang, thành viên Nhóm nghiên cứu cho biết, thông qua cách tiếp cận người dân ở 5 trục nội dung về thực thi pháp luật, đã cho thấy sự chênh lệch tương đối lớn giữa các tỉnh. Theo đó, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu về mức độ hài lòng của người dân khi tham gia các dịch vụ hành chính, pháp lý, dịch vụ công. Mức độ liêm chính trong giải quyết công việc, tranh chấp, các thành phố lớn nhìn chung chỉ số thấp, chỉ có Đà Nẵng cải thiện tốt. Tuy nhiên, về thời gian xử lý giải quyết khiếu nại hành chính, trong khi TP Hồ Chí Minh xử lý rất tốt thì Hà Nội và Đà Nẵng lại chậm.
Cho ý kiến vào báo cáo, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho hay, trong quá trình phát triển kinh tế địa phương, việc xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ cơ bản. “Không phải sau mỗi kỳ chúng ta ngồi lại với nhau đánh giá đã làm như thế nào mà điều quan trọng là người dân đánh giá về hiệu quả công việc của địa phương đó đối với người dân như thế nào” – ông Sơn nói.
Qua khảo sát cũng phát hiện hạn chế trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải là quan ngại đối với người dân, nhưng họ lại cảm thấy bất an và lo lắng nhất về sự thiếu minh bạch trong quy hoạch đất đai và việc không có sổ đỏ. Người dân cũng ít hiểu biết hơn về việc thực hiện các quyền của mình, có đến 16% ý kiến cho rằng người khiếu nại, tố cáo bị gây khó dễ. Vẫn theo kết quả khảo sát nói trên, có gần 50% tranh chấp đất đai và khiếu nại về môi trường đang tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm. Thời gian giải quyết trung bình với khiếu nại về môi trường là 17 tháng; với khiếu nại về chính sách xã hội là 27 tháng, với nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới 41 tháng.
Thu Hằng
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=612233