Báo Dân Việt: Dấu hỏi của công lý?

Dân Việt – Bộ Chỉ số công lý 2012 được thực hiện ở 21 tỉnh, thành với 5.045 người dân thuộc nhiều tầng lớp tham gia, đã cho thấy: 42,4% số người dân được hỏi không biết hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp.

23% số người dân được hỏi biết đến Hiến pháp lại không biết đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, gần 50% số người được điều tra cho rằng, đất đai và tranh chấp đất đai đang là vấn đề “nóng” và có tới 38% các vụ có liên quan đến quyền sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, giá đền bù, việc tái định cư… không minh bạch làm mất lòng tin vào sự an toàn của hạn điền và khiến cho người nông dân, chủ trang trại không muốn đầu tư vào sản xuất, bồi bổ đất để sử dụng lâu dài. Tình hình trên cho chúng ta thấy:

Thứ nhất, việc tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến của người dân đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992, sửa đổi Luật Đất đai 2003 chưa thật rộng rãi và triệt để, nhiều người nông dân chỉ nghe đến “khẩu lệnh” liên quan chứ chưa thực sự được nghe, đọc, tìm hiểu một cách căn cơ Hiến pháp như thế nào?

Thứ hai, do không biết hết quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong Hiến pháp nên nhóm người yếu thế không tự bảo vệ được mình, không thực hiện được quyền lợi chính trị trong giám sát thực hiện. Và đương nhiên, họ cũng rất dễ bị tổn thương khi có biến cố về đất đai, kinh tế và xã hội.

Thứ ba, đất đai đến nay đã thực sự trở thành vấn đề có tính quốc gia mà ở đó mỗi hộ gia đình, cá nhân đều chịu ảnh hưởng, nhất là đối với những vụ việc đã và đang xảy ra nhưng đều khó giải quyết nên mới tồn tại đến 50% các tranh chấp đất đai và khiếu kiện về môi trường đang chờ đợi Nhà nước xử lý. Và thực tế, để xử lý một vụ khiếu kiện hành chính thường kéo từ 17 – 27 tháng – khoảng thời hạn xử lý quá dài so với luật định. Như vậy, chính các công chức, các cơ quan nhà nước đang vi phạm quy định của pháp luật.

Công lý là sự kết tinh của lẽ phải, lương tri và đạo đức. Mặc dù, không phải ai trong số chúng ta cũng đều đưa ra được một định nghĩa bằng lời công lý là gì? Nhưng ai trong số chúng ta cũng mang tình yêu công lý trong tim. Cưỡng chế thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia sẽ được nhân dân chấp nhận. Cưỡng chế thu hồi đất vì lợi ích nhóm rất khó được đồng tình.

Sửa đổi Hiến pháp 1992, xây dựng hệ thống pháp luật về đất đai nói riêng và toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung tiệm cận công lý là một việc to lớn, khó khăn. Tuy nhiên, với tình yêu công lý vốn có của người Việt, với sự chủ động hội nhập và tiếp thu thành tựu văn minh của thế giới, lắng nghe người dân, nhất định chúng ta sẽ thành công!

Giang Sơn

http://danviet.vn/tam-diem-va-binh-luan/dau-hoi-cua-cong-ly/20131008102135611p24c45.htm