
Cần tạo điều kiện cho người dân được giám sát
Đà Nẵng dẫn đầu các địa phương về chỉ số hài lòng của người dân
Chỉ số Công lý là một công cụ định lượng được xây dựng để chuyển tải ý kiến và đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước trong việc đảm bảo công lý và các quyền cơ bản trên thực tế, đồng thời giúp các bên có liên quan đánh giá và giám sát các thay đổi về thực thi pháp luật và bảo đảm công lý ở Việt Nam.
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cho biết: Chỉ số công lý 2012 trên dựa trên kết quả tổng hợp và phân tích dữ liệu từ hơn 5.000 người được phỏng vấn tại Hà Nội, TP.HCM và 19 tỉnh, thành được lựa chọn ngẫu nhiên. Chỉ số phản ánh ý kiến và nhận xét của người dân về hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm công lý và các quyền cơ bản của người dân. Chỉ số này cũng phản ánh mức độ kém hiệu quả của một số cơ quan nhà nước, với 1/5 tất cả các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và ô nhiễm môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan. Đồng thời khoảng ½ tất cả các tranh chấp về đất đai và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi nhà nước xử lý.
Về các lĩnh vực cụ thể, báo cáo cho biết, trong quan hệ lao động, có tới 59% tranh chấp là về tiền lương, 40% tranh chấp xảy ra với người lao động thời vụ, ngắn hạn, không có hợp đồng. 19% người tham gia khảo sát cho biết, tình trạng sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi là phổ biến ở địa phương mình. Có 31% người được khảo sát sống trong môi trường bị ô nhiễm; 12% có khiếu nại, yêu cầu khắc phục và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm. Đặc biệt, có tới 60% người tham gia khảo sát cho rằng chính quyền địa phương đang ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường.
Ông Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, cách tiếp cận người dân ở 5 trục nội dung về thực thi pháp luật gồm: Khả năng tiếp cận, công bằng, liêm chính, tin cậy và hiệu quả và bảo đảm các quyền cơ bản. Qua đó có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các tỉnh. Theo đó, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu về mức độ hài lòng của người dân khi tham gia các dịch vụ hành chính, pháp lý, dịch vụ công. Mức độ liêm chính trong giải quyết công việc, tranh chấp, các thành phố lớn nhìn chung chỉ số thấp, chỉ có Đà Nẵng cải thiện tốt.
Công cụ hữu ích trong cải cách tư pháp
Xuất phát từ thực tế trên, báo cáo này đề xuất việc sử dụng Chỉ số Công lý – một công cụ mới cho phân tích và hoạch định chính sách pháp luật và tư pháp. Đồng thời, cũng là một công cụ hữu hiệu tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước cả ở trung ương và địa phương thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân về hiệu quả hoạt động của các thiết chế công, các nỗ lực bảo đảm công lý, công bằng và bình đẳng cho người dân.
Đánh giá về Bản báo cáo Chỉ số công lý 2012, ông Nguyễn Công Hồng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết: Kết quả trên cho thấy đây là công trình nghiên cứu khoa học đúng hướng có độ tin cậy cao.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra bộ chỉ số, với 5 trục nội dung từ đó giúp chính quyền, địa phương “soi” vào để triển khai nhằm tạo niềm tin cho người dân và công lý phải được thực thi chứ không thể chỉ trên giấy.
Là địa phương không nằm trong phạm vi nghiên cứu nhưng ông Trương Anh Tuấn, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Nam Định cho rằng, Chỉ số công lý là công cụ rất cần thiết đối với mỗi địa phương, thông qua đó HĐND có thể thấy rõ những điểm mạnh, điểm yếu từ đó, xây dựng nội dung giám sát của HĐND trúng hơn, sát hơn.
Trên thế giới, các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế công được sử dụng khá phổ biến. Ở Việt Nam, có hai bộ chỉ số về quản trị địa phương đang được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Đó là Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Hiện chưa có một bộ chỉ số đo lường về công lý
Khanh Lê
Báo Đại đoàn kết
http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=70016