Báo Công thương: Hướng tới một nền tư pháp vì dân

Đó là mục tiêu Khảo sát Chỉ số Công lý 2015 do Hội Luật gia Việt Nam (VLA), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), công bố kết quả hôm nay (16/6/2016) tại Hà Nội.

Chỉ số Công lý 2015 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.000 người dân trên 63 tỉnh/thành cả nước về hoạt động của cơ quan tư pháp, vai trò và hiệu quả của các thiết chế nhà nước ở địa phương trong đảm bảo quyền cơ bản của người dân theo Hiến pháp. Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc giải quyết các yêu cầu và vướng mắc pháp lý của người dân vẫn còn thấp. Đây là lý do khiến nhiều người dân còn tự giải quyết hoặc chọn các phương pháp không chính thức để giải quyết tranh chấp, thay vì sử dụng các thiết chế tư pháp ở cơ sở.

Ông Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc CECODES cho biết, trên bình diện quốc gia, Chỉ số Công lý 2015 đã có những phát hiện bổ ích cho quá trình cải cách tư pháp. Trong đó, hiệu quả trợ giúp của cơ quan nhà nước địa phương giải quyết những vướng mắc pháp lý và khiếu nại của người dân còn thấp, trong khi trợ giúp của luật sư và trợ giúp pháp lý (dịch vụ) được đánh giá cao hơn về hiệu quả. Việc tiếp cận tòa án còn nhiều hạn chế, lý do chính là người dân vẫn quan ngại về chi phí, thủ tục, niềm tin vào sự công tâm của thẩm phán và các cán bộ tòa án.

So với khảo sát năm 2012, Chỉ số Công lý 2015 đã phản ánh được những thay đổi tích cực về tiếp cận thông tin và hiểu biết pháp luật của người dân. Tuy nhiên, vẫn tồn tại bất bình đẳng giữa các nhóm người trong xã hội. Người nghèo, người có học vấn thấp, người không có vị trí xã hội còn chịu nhiều rào cản tiếp cận thông tin và các thiết chế tư pháp cơ sở do nguồn lực cá nhân và xã hội hạn chế.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, các chiến lược phát triển chỉ dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế sẽ không trọn vẹn. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, cải cách tư pháp là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, cần phải đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp hướng tới vì dân, đảm bảo các quyền và tự do cá nhân theo Hiến pháp đã định.

Theo GS. TS Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch Hội Luật gia, Chỉ số Công lý 2015 có thể coi là một công cụ hữu ích cung cấp nguồn thông tin khách quan cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân phân tích, đánh giá và giám sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm công lý, bảo vệ quyền của người dân. Đây cũng sẽ là công cụ quan trọng góp phần cung cấp thông tin đầu vào cho quá trình hoạch định và hoàn thiện chính sách ở cấp chính quyền địa phương cũng như ở cấp quốc gia theo chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp.

Chỉ số Công lý 2015 đặt ra 3 vấn đề chính và tập trung giải quyết gồm: Vai trò và hiệu quả của các thiết chế tư pháp trong tạo điều kiện tối thiểu cho tiếp cận công lý trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu nại hành chính, bảo vệ quyền cơ bản theo Hiến pháp của người dân trên thực tế. Các thể chế hiện nay có là cơ sở hữu hiệu để đảm bảo thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền và tiến bộ xã hội. Các cơ hội để chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức hội đoàn và xã hội dân sự đóng góp vào cải thiện tình hình theo hướng hành động, thay đổi và cải cách dựa trên việc khắc phục và giải quyết các hạn chế và yếu kém theo phản hồi của người dân.

Ngọc Quỳnh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/huong-toi-mot-nen-tu-phap-vi-dan.html

Viết một bình luận