công bằng
Báo điện tử Chính phủ: UNDP công bố ấn phẩm Chỉ số công lý 2012
(Chinhphu.vn) – Ngày 12/11, Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) giới thiệu ấn phẩm “Chỉ số công lý – Thực trạng về công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân năm 2012”.
Ấn phẩm này báo cáo tổng hợp các kết quả chỉ số Công lý ở các địa phương như: Thực trạng tiếp cận công lý và bảo vệ các quyền cơ bản cho người dân; hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước trong giải quyết tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính… Từ đó, báo cáo nêu ra một số khuyến nghị về chính sách góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo dựa trên 5 trục nội dung về thực thi pháp luật và bảo đảm công lý gồm: Khả năng tiếp cận, công bằng, liêm chính, sự tin cậy hiệu quả và bảo đảm các quyền cơ bản.
Nhìn chung, ấn phẩm Chỉ số công lý 2012 đưa ra thông điệp về một hệ thống tư pháp hiệu quả, đáng tin cậy, chuyên nghiệp và dễ tiếp cận là kỳ vọng của người dân. Qua đó khẳng định, cải cách tư pháp và nâng cao hiệu quả của pháp luật là nhu cầu cần thiết phục vụ phát triển con người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Báo cáo cũng đề xuất việc sử dụng Chỉ số công lý như một công cụ mới cho việc phân tích và hoạch định chính sách pháp luật, tư pháp. Đồng thời, đây cũng là công cụ hữu hiệu tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình về hiệu quả hoạt động của các thiết chế công, các nỗ lực đảm bảo công lý, công bằng, bình đẳng của Chính phủ đối với nhân dân.
Chỉ số này được thực nghiệm trên quy mô lớn lần đầu tiên vào năm 2012, tập trung ở 21 tỉnh (gồm Hà Nội, TPHCM, 19 tỉnh còn lại được lựa chọn ngẫu nhiên) và khảo sát trên 5.045 người. Về cơ bản, Chỉ số công lý 2012 xây dựng dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế về đo lường công lý, pháp quyền, quản trị quốc gia.
Phan Trang
http://baodientu.chinhphu.vn/The-gioi-va-Viet-Nam/UNDP-cong-bo-an-pham-Chi-so-cong-ly-2012/185519.vgp
Trí thức trẻ: Lao động, tiền lương vẫn nhức nhối chuyện công bằng
Theo báo cáo Chỉ số công lý 2012 (JUPI), các loại tranh chấp phổ biến nhất theo thứ tự là tranh chấp lao động, kinh tế và đất đai.
Chỉ số công lý là số liệu tổng hợp từ thực tiễn phản ánh ý kiến của người dân về hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ công lý tại các địa phương. Đây là các chỉ báo về những tồn tại, hạn chế trong tiếp cận công lý và bảo vệ quyền của người dân ở cấp quốc gia và so sánh giữa các địa phương.
Theo báo cáo, các loại tranh chấp phổ biến nhất theo thứ tự là tranh chấp lao động, kinh tế và đất đai.
Tranh chấp lao động chủ yếu là về tiền lương (59%) trong đó 40% tranh chấp xảy ra với người lao động thời vụ, ngắn hạn, không có hợp đồng.
Trong tranh chấp kinh tế, vướng mắc phổ biến giữa doanh dân với cơ quan quản lý nhà nước là về thuế và thủ tục đăng ký kinh doanh. Vướng mắc phổ biến giữa doanh dân với nhau là về vay ngân hàng và tín dụng.
Trong tranh chấp đất đai thì có đến 62% là tranh chấp dân sự: đất giáp ranh, thừa kế, mua bán nhà đất…
Báo cáo cũng chỉ ra một thực tế là trên 20% tranh chấp lao động, khiếu nại chính sách xã hội và môi trường không được giải quyết. Gần 50% tranh chấp đất đai và khiếu nại về môi trường đang tồn đọng, chưa được giải quyết xong. Tranh chấp kinh tế và dân sự được giải quyết tốt hơn các loại tranh chấp khác, tỷ lệ đã giải quyết trên 70%.
Tuy nhiên, thời gian thụ lý giải quyết còn nhiều hạn chế khi phần lớn thời gian thụ lý giải quyết các yêu cầu là vượt quá thời hạn theo luật định. Trung bình đối với khiếu nại môi trường là 17 tháng, khiếu nại về chính sách xã hội là 27 tháng, với nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 41 tháng.
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/lao-dong-tien-luong-van-nhuc-nhoi-chuyen-cong-bang-2013111209070450015ca33.chn
Báo Tầm Nhìn: Giới thiệu báo cáo “Chỉ số công lý: Thực trạng về Công bằng và Bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân”
Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh: Giới thiệu chỉ số công lý đến đại biểu dân cử
(PLTPHCM)- Ngày 11-11, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo giới thiệu báo cáo.
Chỉ số công lý 2012 (JUPI): Thực trạng về công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân tại TP Cần Thơ nhằm cung cấp những tài liệu liên quan đến chỉ số JUPI cho các đại biểu HĐND các tỉnh, thành phía nam. Báo cáo nói trên tổng hợp các kết quả chỉ số JUPI ở 21 tỉnh, thành; khẳng định một số phát hiện chính về thực trạng tiếp cận công lý và bảo vệ các quyền cơ bản cho người dân cũng như hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước trong giải quyết tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính ở Việt Nam. Qua đó nêu ra một số khuyến nghị về chính sách góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng thông tin về chỉ số JUPI rất hữu ích đối với những người làm công tác dân cử, nếu tận dụng được các kết quả đánh giá này sẽ rất bổ ích cho hoạt động của cơ quan hành chính ở địa phương. Đại diện Hội Luật gia tỉnh Bình Thuận cũng góp ý, phần khuyến nghị cần nêu ra được các cơ quan như UBND, cơ quan tư pháp phải làm gì để hạn chế những bức xúc của người dân…
Nhẫn Nam
Theo báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh
http://phapluattp.vn/20131111113347101p0c1013/gioi-thieu-chi-so-cong-ly-den-dai-bieu-dan-cu.htm