• Skip to primary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to primary sidebar

2015 Justice Index

  • Trang chủ
  • Dữ liệu địa phương
  • Khung chỉ số
  • Tin tức & Sự kiện
  • Thông tin liên hệ
  • Chỉ số công lý 2012
You are here: Home / Archives for chi so

chi so

Tuần Việt Nam: Lời nhắn của công dân thứ 90 triệu

10/11/2013 By Chisocongly

Công lý cho người dân, trong đó có những em bé vừa mới chào đời rạng sáng 1/11/2013, phụ thuộc rất nhiều vào động tác bấm nút của ĐBQH, những người mang gánh nặng đại diện cho nhân dân.

Bài 1: Tránh nguy cơ “khóa” các quyền hiến định của dân.

Dân sẽ tìm “cửa” khác

Theo khảo sát về Chỉ số công lý, hiệu quả của các thiết chế công trong giải quyết yêu cầu và tranh chấp pháp lý của người dân rất đáng quan ngại. Chỉ cần “đo lường” qua tiêu chí về thời gian thụ lý kéo dài và mức độ hài lòng của người dân là đủ biết.

Người dân đang kỳ vọng vào một hệ thống tư pháp hiệu quả, nghiêm minh và chuyên nghiệp hơn.

Khi được hỏi về phương thức “hành động” khi có tranh chấp, người dân thường tìm tới cơ quan hành chính địa phương các cấp từ xã, huyện, đến tỉnh để yêu cầu giải quyết và hỗ trợ. Tuy nhiên, người dân vẫn còn gặp khó khăn ở các dịch vụ hành chính tư pháp như đăng ký kết hôn, hộ tịch, khai sinh…

Đáng chú ý, trong số các vụ việc có tỷ lệ không được giải quyết cao có các  khiếu nại hành chính thuộc thẩm quyền thụ lý và giải quyết của chính quyền địa phương.

Những dữ liệu này cho thấy, một mặt, các cơ quan hành chính cần tiếp tục cải thiện chất lượng phục vụ dân. Nhưng trước hết các cơ quan đó phải chịu sức ép từ bên ngoài, gồm có từ người dân, từ HĐND cùng cấp và từ cấp trên.

Chẳng hạn, Hiến pháp có thể tạo cơ sở để người dân địa phương có tiếng nói quyết định hơn trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật ở địa phương. Hiến pháp cũng có thể tạo nền tảng để có HĐND mạnh, thực quyền hơn. Ví dụ quy định đại biểu HĐND không kiêm nhiệm vì nếu “kiêm nhiệm” sẽ dẫn đến xung đột lợi ích.

Nếu các cơ quan hành chính không làm tốt phận sự của mình, cơ quan dân cử sẽ có những động thái nhắc nhở, thúc giục hiệu quả hơn.

Tiếp đó, khi người dân đã đến cửa các cơ quan này mà không giúp giải quyết được gì nhiều, thì họ sẽ tìm đến kênh khác, ngả khác để đi tiếp – đó là tòa án. Thế nhưng, việc sử dụng toà án trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu nại hành chính nói chung còn rất hạn chế.

Trong tổng số hàng nghìn vụ tranh chấp các loại ghi nhận từ khảo sát, số vụ việc được đưa tới toà án yêu cầu giải quyết là 51 (tương đương 3,3% tổng số tranh chấp). Nhiều người dân “thú nhận”, tòa án không phải là nơi họ muốn tìm đến… Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Và, nếu Hiến pháp sửa đổi một số nội dung thì có thể hạn chế được sự mất lòng tin của người dân. Chẳng hạn, quy định các cơ chế để đảm bảo sự độc lập của thẩm phán như tòa án khu vực mà không theo đơn vị hành chính, chế độ tuyển dụng, lương bổng, nhất là việc không can thiệp vào xét xử của tòa án. Đặc biệt, Hiến pháp cần trao cho thẩm phán quyền giải thích pháp luật.

Bởi lẽ, pháp luật thường gắn với công lý. Nhưng, đôi khi, có pháp luật cũng chưa chắc đã có công lý. Các quy định pháp luật thành văn hoặc chỉ quy định khung pháp lý chung, hoặc nhiều khi trở nên lỗi thời, mâu thuẫn với thực tiễn cuộc sống muôn hình vạn trạng đã ảnh hưởng đến quyền lợi các bên.

Trong những trường hợp như vậy, từ những sự kiện, tình tiết cụ thể của vụ việc, thẩm phán có quyền diễn giải các quy định đó theo hướng làm sao đảm bảo công lý.

Cần một nơi để “kêu”

Cuối cùng, cần có một cơ chế mới để giải quyết các vướng mắc pháp lý liên quan đến Hiến pháp, mà Hội đồng Hiến pháp là một cơ chế như vậy. Ngoài những lý do đã được nêu nhiều từ trước tới nay, khảo sát về công lý năm 2012 đã cho thấy nhu cầu lớn của người dân.

Người dân muốn Hiến pháp phải có hiệu lực trực tiếp, có thể viện dẫn để bảo vệ quyền của mình, và cần một nơi chốn để trực tiếp hay gián tiếp kêu đến khi quyền hiến định của mình bị vi phạm.

Như trong báo cáo về Chỉ số Công lý: “Làm cho người dân khi lo lắng sẽ an tâm hơn vì được pháp luật bảo vệ, giản dị thế, song đấy chính là dấu hiệu đầu tiên của một xã hội có công lý…. Luật pháp đối với dân nghèo chính là mong ước có được chỗ dựa cho vô vàn ưu phiền hàng ngày, chỗ dựa càng vững thì niềm tin vào pháp luật càng tăng”.

Thiếu một cơ chế pháp lý để xem xét, xử lý khi có những vi phạm các quy định của chính mình, Hiến pháp sẽ chỉ dừng ở những quy định vô hồn trên giấy. Chứ không sống với đời.

Thay lời kết: nhắn nhủ của công dân thứ 90 triệu

Quốc hội bước vào thảo luận và biểu quyết Dự thảo Hiến pháp sửa đổi khi những công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời.

18 năm nữa, khi các em đủ tuổi công dân, có quyền đi bầu cử, cũng là năm sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội khóa mới. Từ đây đến đó và tiếp nữa, Việt Nam sẽ ra sao?

“Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và tư pháp, bảo đảm công lý trên nền tảng của Hiến pháp phải là mục đích tự thân của quá trình phát triển ở Việt Nam, chứ không phải là tiến trình bổ trợ cho mục tiêu phát triển kinh tế hoặc chính trị”.

Các em, vừa là chủ thể của quá trình phát triển, vừa là người hưởng thụ thành quả phát triển, sẽ như thế nào? Hiến pháp 2013 có đóng góp gì để làm cho cuộc sống các em trở nên tự do, hạnh phúc, bình đẳng hơn không? Hiến pháp có sống được với đời không? Điều này phụ thuộc vào thái độ của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII này.

Như trong báo cáo về Chỉ số Công lý 2012 nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và tư pháp, bảo đảm công lý trên nền tảng của Hiến pháp phải là mục đích tự thân của quá trình phát triển ở Việt Nam, chứ không phải là tiến trình bổ trợ cho mục tiêu phát triển kinh tế hoặc chính trị.

Với tư cách là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, Hiến pháp cần tạo khung pháp lý nền tảng để thực thi công lý. Bất kỳ sự thay đổi nào trong Hiến pháp dù nhỏ cũng là cơ hội cải thiện các chuẩn mực pháp lý về thực thi, bảo vệ công lý.

Công lý cho người dân, trong đó có những em bé vừa mới chào đời rạng sáng 1/11/2013, phụ thuộc rất nhiều vào động tác bấm nút của ĐBQH, những người mang gánh nặng đại diện cho nhân dân.

Nguyên Lâm

 

Filed Under: Tin tức & Sự kiện Tagged With: bình đẳng, chi so, chỉ số công lý, Chi so cong ly 2012, công bằng

Tuần Việt Nam: Đừng lo, tôi khóa cửa xe rồi

10/11/2013 By Chisocongly

Tuần Việt Nam-Chuyện mất mát niềm tin dường như không có giới hạn hay khuôn khổ… Và đó mới là điều đáng báo động.

Báo cáo nhỏ, vấn đề không nhỏ

Đã có những con số rất to, trong một báo cáo rất nhỏ, mang một cái tên rất to, để chỉ về một vấn đề không nhỏ.

Đó là những cảm nhận của người dân, khi nghe Báo cáo Chỉ số công lý 2012, được công bố đầu tháng 10 vừa qua.

Nhiều người có chung tâm trạng mô tả bằng hai chữ “choáng váng” với những con số to gây sốc, phản ánh trung thực sự hiểu biết, và niềm tin của người dân vào hiệu quả thực thi công lý: “42,4% số người dân được hỏi không biết hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp”.

Báo cáo cho hay, trong số những người nói rằng biết, lại có tới 23% không hề biết đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đang diễn ra. Không ít những người khác thì chỉ “biết” đến Hiến pháp qua những “khẩu lệnh liên quan đến Hiến pháp” vẫn nhan nhản trên mọi con đường góc phố, kiểu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.

Ừ thì “Ý kiến của hơn 5.000 người dân có thể chưa phản ánh một bức tranh toàn diện”, như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Công Hồng. Nhưng chính ông Hồng cũng xác nhận “đây là cơ sở khoa học có độ tin cậy cao”. Cao còn là bởi Chỉ số công lý được xây dựng trên cơ sở đánh giá của chính những người dân “bằng chính trải nghiệm” thường ngày.

Nhưng nói có tới 42,4% + 23% số người dân được hỏi hoặc chưa từng nghe nói đến Hiến pháp hoặc không hề biết Hiến pháp đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, thì quả thực, điều đó lại đang đặt ra một câu hỏi không nhỏ: Thế thì họ sẽ góp ý cho Hiến pháp như thế nào, khi thậm chí chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp.

Báo cáo trên cũng cho biết: Có tới 20% tất cả các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan của Nhà nước; 50% các tranh chấp đất đai và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi Nhà nước xử lý và các cơ quan nhà nước thường cần nhiều thời gian hơn luật định để xử lý các khiếu kiện hành chính.

Rằng: Trong thực tế, thời gian trung bình để xử lý một khiếu kiện hành chính kéo dài từ 17 đến 27 tháng. Rằng: 50% cho biết tranh chấp đất đai là loại hình tranh chấp phổ biến nhất và tiếp tục là vấn đề “gây bất ổn” ở địa phương. Rằng: Có tới 38% các cuộc tranh chấp đất đai liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù và tái định cư.

Và vấn đề niềm tin được đề cập một cách giản dị như sau: “Những người dân được điều tra còn cho biết, các quy định hiện hành về quyền sử dụng đất và các kế hoạch sử dụng đất không minh bạch ở địa phương làm cho người dân mất lòng tin vào sự an toàn của hạn điền và khiến họ không muốn đầu tư lâu dài vào đất đai”.

Niềm tin và sự kỳ vọng

Vấn đề không nhỏ không chỉ là sự thiếu hiểu biết của người dân vào một luật gốc đang được tuyên truyền với 30 ngàn cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, với con số 26 triệu ý kiến góp ý Hiến pháp, với báo cáo thành tích: “Nhìn chung các địa phương đã tổ chức in ấn dự thảo phát đến từng hộ gia đình”, v.v…

Vấn đề không nhỏ, không chỉ là mức độ kém hiệu quả trong việc thực thi pháp luật. Lại càng không chỉ là những bức bách, mâu thuẫn trong vấn đề khiếu tố đất đai.

Cái đáng giật mình nhất phải là vấn đề lung lay niềm tin, là sự kỳ vọng.

Mặc dù, theo kết quả khảo sát, câu chuyện lòng tin mới đề cập ở những lĩnh vực nhỏ, đó là “sự an toàn của hạn điền” và “khả năng đầu tư lâu dài vào đất đai” nhưng nó cũng đang cấp bách đặt ra vấn đề giải quyết những mâu thuẫn xã hội, bằng luật, và bằng cơ chế. Để nói như thành viên Ban Tư vấn của chỉ số công lý PGS-TS Phạm Duy Nghĩa pháp luật được thực thi ở trong đời sống, để công lý được hiện thân.

Trong cuốn “Chiếc lexus và cây ôliu”, Friedman đã kể lại hai câu chuyện nhỏ ở Indonesia, ở Nga như sau:

Một phóng viên thường trú tại Jakarta thường phải làm mới giấy căn cước. Và ở Indonesia “Các quan chức hoàn toàn có thể gửi anh một phiếu yêu cầu thanh toán cho số tiền đút lót của anh”. Friedman dẫn lại câu nói của người Indonesia rằng: Nếu hàng xóm nhà anh ăn cắp dê, dù thế nào cũng đừng có kiện anh ta ra toà, bởi vì để được việc, theo thời gian anh phải trả tiền cho cảnh sát và thẩm phán, anh sẽ mất luôn cả con bò của mình”.

Còn câu chuyện Nga, kể lại một người đàn ông lái xe từ nông thôn ra Moscow và đỗ chiếc xe ngay tại Quảng trường Đỏ. Một cảnh sát đi đến và nói với anh ta: “Này, anh không đậu xe ở đây được đâu. Đây là cổng đi của các quan chức”. Người nông dân đáp: “Đừng lo, Tôi khoá cửa xe rồi!”

Một câu nói kiểu dân gian thời @ ở Indonesia và một chuyện tiếu lâm đương đại về phản xạ tự nhiên ở Nga. Cũng đại loại như thơ tiếu lâm thế sự “trong những cái cặp rất to có những dự án rất nhỏ” kiểu Việt Nam. Nhưng đằng sau câu chuyện nhỏ đó là vấn đề còn lớn hơn cả sự trầm trọng và thô thiển của tham nhũng – là thứ mà Friedman gọi là “Bất ổn xã hội”.

Những bất ổn xã hội bắt đầu bằng dấu hiệu niềm tin lung lay.

Chuyện mất mát niềm tin dường như không có giới hạn hay khuôn khổ… Và đó mới là điều đáng báo động.

Đào Tuấn

Tuần Việt Nam

Filed Under: Tin tức & Sự kiện Tagged With: bình đẳng, chi so, chỉ số công lý, Chi so cong ly 2012, công bằng

Sở Tư pháp Đà Nẵng:

10/11/2013 By Chisocongly

Giới thiệu chỉ số công lý năm 2012 và công bố mới về giám sát hiệu quả hoạt động các cơ quan tư pháp cấp tỉnh

Sáng ngày 06 tháng 11 năm 2013, tại Đà Nẵng, Hội Luật gia Việt Nam và đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức giới thiệu chỉ số công lý năm 2012 và công bố mới về giám sát hiệu quả hoạt động các cơ quan tư pháp cấp tỉnh. Đồng chí Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng tham dự và đồng chủ trì Hội nghị.

Chỉ số Công lý đã giới thiệu một hướng tiếp cận mới để đánh giá kết quả tiến trình cải cách luật pháp và tư pháp đang diễn ra. Chỉ số Công lý được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát 21 tỉnh, thành phố và tham khảo kinh nghiệm quốc tế về đo lường công lý, pháp quyền, quản trị quốc gia. Chỉ số Công lý năm 2012 dựa trên 5 trục nội dung về thực thi pháp luật và bảo đảm công lý là: Khả năng tiếp cận; Công bằng; Liêm chính; Tin cậy và hiệu quả; Bảo đảm các quyền cơ bản.

Trên cơ sở tổng hợp kết quả chỉ số của các địa phương, Báo cáo thực trạng về công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân năm 2012 đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách sau đây:
Thứ nhất, tiến trình cải cách tư pháp cần được tiếp tục để bảo đảm công lý và các quyền cơ bản cho người dân trên cơ sở coi trọng mục tiêu phát triển con người hơn mục tiêu phát triển kinh tế.
Thứ hai, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính và tư pháp cần ưu tiên và bảo đảm các mục tiêu hiệu quả, liêm chính, có thể tiếp cận, công bằng và dân chủ, đáp ứng các yêu cầu của người dân.
Thứ ba, các quyền hiến định cần được luật định và người dân cần được biết về các quyền cơ bản theo các chuẩn mực và pháp luật quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Thứ tư, xây dựng một cơ chế bảo hiến theo hướng tôn trọng và bảo vệ các quyền dân sự và chính trị cơ bản trên thực tế.
Thứ năm, các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự cần được cải thiện theo hướng giảm thời gian thụ lý, tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả và trên hết là cần cải thiện niềm tin của người dân vào các thiết chế công.
Thứ sáu, dịch vụ hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp cần tiếp tục được đổi mới, đảm bảo thân thiện và dễ tiếp cận với người dân, đặc biệt là người nghèo và các nhóm yếu thế khác.
Thứ bảy, vai trò của các cơ quan dân cử trogn giám sát hoạt động tư pháp cần được tăng cường và cụ thể hóa.
Thứ tám, các cơ quan và cán bộ nhà nước cần có một cách tiếp cận mới về theo dõi và đánh giá các kết quả của các tiến trình cải cách, cụ thể là cải cách luật pháp và tư pháp.
Thứ chín, hệ thống hòa giải cơ sở cần được đánh giá thêm về vai trò và hiệu quả; đồng thời, cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các địa phương cần được nghiên cứu sửa đổi để bảo đảm quyền lợi của người dân, giảm tình trạng khiếu nại vượt cấp và kéo dài.
Chỉ số Công lý 2012 có thể được các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, người dân sử dụng theo một trong ba phương thức:
Một là, các kết quả của Chỉ số Công lý là các số liệu tổng hợp từ thực tế để đánh giá hiện trạng và phân tích chính sách nhằm triển khai có hiệu quả các tiến trình xây dựng hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp đang được triển khai.
Hai là, có thể sử dụng các kết quả của Chỉ số Công lý để xác định cac smawtj còn hạn chế và bất cập trong việc bảo đảm công lý cho người dân.
Ba là, có thể sử dụng Chỉ số Công lý để xác định các mục tiêu cụ thể cho việc đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Phan Thanh Long

http://sotuphap.danang.gov.vn/88_33_852/Gioi_thieu_chi_so_cong_ly_nam_2012_va_cong_bo_moi_ve_giam_sat_hieu_qua_hoat_dong_cac_co_quan_tu_phap.aspx

Filed Under: Tin tức & Sự kiện Tagged With: bình đẳng, chi so, chỉ số công lý, Chi so cong ly 2012, công bằng

Báo Đà Nẵng: Đà Nẵng dẫn đầu về Chỉ số công lý

10/11/2013 By Chisocongly

Ngày 6-11, tại Đà Nẵng, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng tổ chức giới thiệu Chỉ số công lý năm 2012: công cụ mới về giám sát hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp cấp tỉnh.

Chỉ số công lý năm 2012 dựa trên 5 trục nội dung về thực thi pháp luật và bảo đảm công lý gồm: khả năng tiếp cận, công bằng, liêm chính, sự tin cậy hiệu quả và bảo đảm các quyền cơ bản. Nhóm nghiên cứu cho biết, thông qua cách tiếp cận người dân ở 5 trục nội dung về thực thi pháp luật cho thấy sự chênh lệch tương đối lớn giữa các tỉnh.

Theo đó, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu về mức độ hài lòng của người dân khi tham gia các dịch vụ hành chính, pháp lý, dịch vụ công… Mức độ liêm chính trong giải quyết công việc, tranh chấp, các thành phố lớn nhìn chung chỉ số thấp, chỉ có Đà Nẵng cải thiện tốt.

Kết quả trên thông qua việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ hơn 5.000 người được phỏng vấn tại 21 tỉnh, thành phố, được lựa chọn ngẫu nhiên khác trong năm 2012. PGS, TS Chu Hồng Thanh, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, chỉ số này cung cấp một điểm tham chiếu hữu ích cho các biện pháp cải cách tiếp theo, nhằm làm hệ thống tư pháp và luật pháp của Việt Nam ngày càng có hiệu quả, nhạy bén hơn, đáp ứng với nhu cầu và nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý dễ dàng hơn…

An Nhiên

http://www.baodanang.vn/channel/5399/201311/da-nang-dan-dau-ve-chi-so-cong-ly-2284459/

 

Filed Under: Tin tức & Sự kiện Tagged With: bình đẳng, chi so, chỉ số công lý, Chi so cong ly 2012, công bằng

Báo Tiền Phong: Chỉ số Công lý: Người dân ‘tự xử’ rất nguy hiểm

01/11/2013 By Chisocongly

TPO-Về Chỉ số Công lý lần đầu được công bố, theo Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (đơn vị phối hợp thực hiện chỉ số), người dân “tự xử” rất nguy hiểm.

Có thể hiểu Chỉ số Công lý một cách đơn giản nhất là gì, thưa ông?

Công lý ở đây có hai khía cạnh.

Thứ nhất là sự công bằng, công tâm. Khi người dân có vướng mắc, tranh chấp gì thì có được giải quyết công bằng không, có thượng tôn pháp luật không.

Thứ hai là hợp lý. Văn bản pháp luật, quy định đó có đúng, trúng, hợp lý không.

Phải hội tụ cả hai khía cạnh này thì mới có công lý. Vì như, đền bù đất rất công bằng, công tâm, nhưng giá quá thấp thì cũng không thể nói là đảm bảo công lý. Tuy nhiên, công lý chỉ xuất hiện, cảm nhận được khi có sự tranh chấp, cần có sự phân xử.

Báo cáo về Chỉ số Công lý cho rằng, sự kém hiệu quả trong việc xử lý các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính khiến một số người dân tìm kiếm cách giải quyết bên ngoài hệ thống pháp lý, ông nghĩ sao?

Nên suy nghĩ tại sao người dân lại có nhận xét này? Bởi qua hỏi người dân thì 1/5 các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và ô nhiễm môi trường không nhận được phản hồi của các cơ quan nhà nước. Trong thực tế, thời gian trung bình để xử lý một khiếu kiện hành chính kéo dài từ 17 đến 27 tháng.

Thế nhưng 90% người dân được hỏi vẫn tìm đến chính quyền khi có tranh chấp, điều này nói lên điều gì, thưa ông?

Đại đa số người trả lời là, khi có tranh chấp điều gì thì trước hết họ tìm đến UBND xã. Vì họ tin chính quyền có quyền hơn, có thể giải quyết được. Điều này cho thấy một hệ thống vẫn theo tư duy “cai quản”, mà chưa có một hệ thống nằm trong một thể chế pháp lý hiện đại.

Để dễ hình dung, ta liên tưởng, trong một trận bóng khi xảy ra tranh chấp thì không gặp trọng tài mà tại tìm đến huấn luyện viên hoặc Liên đoàn Bóng đá!

Thực tế, UBND đâu phải cơ quan đi giải quyết những tranh chấp, việc này là của cơ quan tư pháp, tòa án, luật sư. Nhưng người dân lại chưa quen hoặc chưa tin vào hoạt động của Tư pháp.

TS Phạm Duy Nghĩa có nói ý là, hệ thống của chúng ta nhiều khi vẫn coi chính quyền là phụ trách tất cả. Cách thức tổ chức xã hội như vậy chưa hoàn toàn thể hiện tính chất pháp quyền. Đây chưa phải kiểu điều hành của một xã hội có nền quản trị hiện đại.

Có thể hiểu việc gì người dân cũng tìm đến UBND thì chúng ta vẫn là một “nhà nước lớn, xã hội nhỏ”, thưa ông?

Đúng, từ “nhà nước lớn, xã hội nhỏ” rất hay. Ngày nay, các nước đang hướng tới một “nhà nước rất nhỏ và xã hội lớn”. Từ đây, có thể suy ra, các vấn đề khác người dân cũng thường tìm đến chính quyền như học hành, từ thiện… Đó là vấn đề của một xã hội mà “vốn xã hội” ít, thiếu một hệ thống để tự vận hành.

Đáng ra,chính quyền chỉ là một cơ quan hành pháp, với những nhiệm vụ nhất định, còn lại xã hội phải tự vận hành và “pháp luật ở trên cùng” (thượng tôn pháp luật), trong đó hệ thống pháp lý đóng vai trò như trọng tài, được toàn quyền khi phán xét, nhằm đảm bảo công lý được thực thi,đảm bảo công bằng và hợp lý.

Vậy nếu không tìm đến chính quyền khi xảy ra tranh chấp thì người dân tìm đến đâu, thưa ông?

Người dân rất thông minh và thực tiễn. Với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay thì tìm đến chính quyền là thích hợp. Tuy nhiên, trong một xã hội có nền quản trị hiện đại và thượng tôn pháp luật, người dân có thể tìm đến cơ quan tư vấn pháp luật, Ban hòa giải cơ sở, tòa án…

Còn ở xã hội của chúng ta vẫn rơi rớt của thời bao cấp, khi nhà nước bao trùm tất cả các lĩnh vực. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực để có một xã hội với nền quản trị hiện đại.

Trong đó, ngoài vai trò quản lý của nhà nước, còn có sự tham gia, giám sát, phản biện của người dân, nhằm hoàn thiện pháp luật, khi đó các mối quan hệ trong xã hội sẽ hài hòa hơn, giảm những xung đột.

Trở lại vấn để giải quyết ngoài hệ thống pháp luật, ông nghĩ sao khi người dân tự xử như cách hàng trăm người giết một người trộm chó vừa qua?

Đây chỉ là cá biệt, nhưng thật đáng sợ. Đấy là mầm mống giống như con virus rất hiểm nguy đối với xã hội. Người dân ỷ vào vào “chính nghĩa” là chống trộm, nhưng họ đã bước qua ranh giới của sự nhân đạo và pháp luật. Tại sao chỉ vì trộm một con chó mà giết một mạng người. Những nhà quản trị xã hội, kể cả giáo dục- đào tạo cần quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông qua chỉ số Công lý liệu chúng ta có thể biết một chính sách thế nào là không đúng, trúng?

Một chính sách không trúng thường biểu hiện ở hai yếu tố. Về không gian, nếu chỉ quãng 5% lượng người hoặc địa phương khiếu kiện, còn 95% không khiếu kiện; và hiện tượng khiếu kiện không xả ra thường xuyên thì có thể nhận xét là chính sách trúng, chuẩn.

Nhưng ngược lại, có tới 80 – 90% khiếu kiện, thì lúc đó phải xem lại chính sách. Về thời gian, nếu hiện tượng khiếu kiện xảy ra trong một thời gian kéo dài thì có vấn đề. Thí du như chính sách đất đai hiện nay khiếu kiện năm này qua năm khác và xảy ra ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố.

Thực tế cho thấy, giá đất, thời hạn giao đất có vấn đề. Khi chính sách đúng, như một hệ thống chuẩn thì chỉ có những nhiễu sóng nhỏ, sai số và chỉ xảy ra ở một số nơi nhất định. Nếu quản lý xã hội mà đưa ra những chính sách không chuẩn đường quỹ đạo của hệ thống bị lệch (ta thường gọi là “lỗi hệ thống”). Khi đó, dù xử lý công tâm vẫn có xung đột.

Chỉ số công lý hay ở chỗ đó. Hội Luật gia hy vọng chỉ số này sẽ đóng góp vào quá trình hoàn thiện nền tư pháp Việt Nam theo hướng hiện đại.

Cảm ơn ông!

Hà Nhân

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/653820/Chi-so-Cong-ly-Nguoi-dan-tu-xu-rat-nguy-hiem-tpov.html

Filed Under: Tin tức & Sự kiện Tagged With: bình đẳng, chi so, chỉ số công lý, Chi so cong ly 2012, công bằng

Primary Sidebar

  • VietnameseVietnamese
  • EnglishEnglish

Chỉ số Công lý tại các địa phương

Tin tức & Sự kiện

VTC10: Chỉ số công lý 2015

VTC10 đã có một phóng sự giới thiệu nghiên cứu Chỉ số công lý … [ Đọc tiếp ] about VTC10: Chỉ số công lý 2015

Hội luật gia Việt Nam: Công bố báo cáo Chỉ số Công lý

Ngày 16/6/2016 tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Chỉ số công lý năm … [ Đọc tiếp ] about Hội luật gia Việt Nam: Công bố báo cáo Chỉ số Công lý

Thanh tra_:Chỉ số Công lý 2015: Xử lý cán bộ làm sai chưa thực sự công khai, minh bạch

(Thanh tra)- Ngày 16/6, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc … [ Đọc tiếp ] about Thanh tra_:Chỉ số Công lý 2015: Xử lý cán bộ làm sai chưa thực sự công khai, minh bạch

SGGP_: Công bố Chỉ số công lý 2015: Chuyển trọng tâm sang tổ chức thực thi pháp luật

(SGGP).- Ngày 16-6, Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức công bố chỉ số công lý 2015. Đây là chỉ số … [ Đọc tiếp ] about SGGP_: Công bố Chỉ số công lý 2015: Chuyển trọng tâm sang tổ chức thực thi pháp luật

VGPNews: Công bố ‘Chỉ số công lý 2015’

(Chinhphu.vn) - 'Chỉ số công lý 2015' vừa được công bố ngày 16/6 tại Hà Nội cho thấy, hiệu quả của … [ Đọc tiếp ] about VGPNews: Công bố ‘Chỉ số công lý 2015’

© 2021 VLA, CECODES and UNDP Vietnam. All rights reserved.

Web site developed and supported by NHQuang&Associates